Nghiên cứu

Quy định của pháp luật về xác định chứng cứ trong tố tụng dân sự

Để chứng minh cho yêu cầu của mình là đúng đắn, chính xác thì những người tham gia tố tụng sẽ phải đưa ra chứng cứ. Tuy nhiên không phải bất cứ tài liệu nào đưa ra cũng được coi là chứng cứ. Nhiều người nghĩ rằng có được ảnh chụp hay đoạn ghi âm là đã có đủ bằng chứng để kiện một người. Tuy nhiên, trên thực tế, với sự hiện đại và tinh vi của khoa học công nghệ thì người ta hoàn toàn có thể chỉnh sửa ảnh, chèn thêm đoạn ghi âm,… để làm thay đổi nội dung những tài liệu đó. Do đó, cần có hoạt động xác minh chứng cứ và pháp luật về tố tụng cũng có quy định về vấn đề này chi tiết tại Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Cụ thể:


1. Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.
2. Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
3. Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
4. Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc.
5. Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa.
6. Kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
7. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
8. Kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá, thẩm định giá được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
9. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
10. Văn bản công chứng, chứng thực được coi là chứng cứ nếu việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
11. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định được xác định là chứng cứ theo điều kiện, thủ tục mà pháp luật quy định.
Trong một vụ án, chứng cứ đóng vai trò rất quan trọng. Việc đưa được đầy đủ những chứng cứ cần thiết, độ chính xác và tin cậy cao thì khả năng “thắng” sẽ cao hơn, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Bên cạnh đó, việc căn cứ vào những chứng cứ xác đáng cũng giúp cơ quan tiến hành tố tụng xác minh đúng người đúng tội, đảm bảo sự công bằng của pháp luật.
Việc hiểu rõ tài liệu, vật chứng thế nào mới được coi là chứng cứ trong tố tụng sẽ giúp người có quyền và lợi ích liên quan có biện pháp để bảo vệ và kịp thời giao nộp cho cơ quan chức năng giúp cho hoạt tố tụng không bị kéo dài hoặc đi vào “bế tắc” do không có đủ chứng cứ chứng minh.