Nghiên cứu

Không đồng tình chuyển hình phạt tù sang tiền vì “bất công” cho người nghèo



Quốc hội thảo luận tại tổ về Bộ luật Hình sự

(PL&XH) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đánh giá Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự vừa đáp ứng được yêu cầu của Hiến pháp năm 2013, vừa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế thị trường, với việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân và quan điểm của Đảng trong cải cách tư pháp.

Truy cứu pháp nhân là cần thiết!

“Cơ quan thẩm tra không đồng ý nhưng tôi ủng hộ”, ĐB Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đồng tình với quan điểm hình sự hóa trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự.

 “Có ý kiến cho rằng nếu đưa pháp nhân vào làm chủ thể tội phạm mà pháp nhân bị rút giấy phép thì người lao động ra sao? Người lao động phải chấp nhận rủi ro thôi và qui định này cũng góp phần nâng cao tính trách nhiệm của người lao động vì tôi không tin người lao động không biết có vi phạm”, ĐB Lê Minh Thông phân tích và cho rằng, vấn đề cần bàn là định hình phạt với pháp nhân thế nào cho hợp lý vì qui định như dự thảo chưa rõ? 

Trước ý kiến một số ĐB cho rằng không cần xử lý hình sự pháp nhân vì các biện pháp xử lý hành chính cũng có đủ các chế tài tương tự như rút giấy phép, đình chỉ hoạt động, phạt tiền… ĐB Thông phân tích: “Các nước có qui định trách nhiệm hình sự của pháp nhân người ta cũng có qui định xử phạt hành chính, thậm chí còn phạt nặng hơn ta. Nhưng phạt hành chính pháp nhân cao nhất 2 tỷ đồng thôi, còn phạt hình sự thì sẽ khác, sẽ đánh vào vốn pháp định. Chưa kể, tính chất của phạt hình sự khác hẳn hành chính, khi bị ra tòa thì công luận nhìn vào, con đường làm ăn sẽ khác ngay nên đưa trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào sẽ có tác dụng răn đe rất lớn, mà giá trị to lớn nhất của truy cứu hình sự chính là răn đe, còn xử lý chỉ là cực chẳng đã”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đánh giá Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự vừa đáp ứng được yêu cầu của Hiến pháp năm 2013, vừa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế thị trường, với việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân và quan điểm của Đảng trong cải cách tư pháp. Tuy nhiên, ĐB Lê Minh Thông không đồng ý với phương án mở rộng nguồn của tội phạm vì sẽ gây chồng chéo, nguy cơ phá vỡ sự đồng bộ về chính sách tội phạm.

ĐB Lê Hồng Tịch (Hậu Giang) đồng tình cho rằng việc xử lý hình sự pháp nhân, tập thể rất quan trọng và cần thiết trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay. “Tuy rủi ro liên quan đến người lao động, nhưng cũng phải nâng cao ý thức của người lao động”, ĐB Lê Hồng Tịch nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Lê Minh Thông: “Cơ quan thẩm tra không đồng ý nhưng tôi ủng hộ”. (Ảnh trái)       

Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu: “Không nên đưa trách nhiệm hình sự pháp nhân vào luật”.  Ảnh: Phương Thảo

Băn khoăn bỏ án tử với tội tham nhũng

Tuy nhiên, ĐB Đặng Văn Hiếu (Thanh Hóa), Thứ trưởng Bộ Công an lại có quan điểm ngược lại, cho rằng không nên đưa trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào luật, vì luật hiện hành đã đủ căn cứ để xử lý pháp nhân về mặt hành chính như thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động, yêu cầu bồi thường thiệt hại. “Xử lý pháp nhân sẽ rất phức tạp, kéo dài”, ĐB Đặng Văn Hiếu nói. Đây cũng là quan điểm của GĐ Công an TP Hà Nội - ĐB Nguyễn Đức Chung. ĐB Nguyễn Đức Chung không đồng tình đưa vào luật qui định truy tố pháp nhân vì cho rằng khó truy tố và đã có luật khác điều chỉnh. Bên cạnh đó, ĐB Chung đề nghị giữ hình phạt tử hình với tội phạm tham nhũng để có tính răn đe. “Người nghèo đi buôn ma túy tử hình. Còn người có chức vụ, kiến thức mà tham ô tham nhũng lại không tử hình là không công bằng”, ĐB Chung nói.

Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu lại đề nghị cần cân nhắc bỏ án tử hình với các tội như Cướp tài sản, Phá hủy công trình an ninh quốc gia quan trọng, Vận chuyển trái phép ma túy với số lượng lớn vì các hành vi này rất nguy hiểm, bỏ án tử sẽ không răn đe được. ĐB Hiếu cũng không đồng tình bỏ tội Cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

“Tôi ủng hộ nếu tội phạm tham nhũng tự nguyện bồi hoàn, khắc phục cơ bản hậu quả thì có thể chuyển từ tử hình sang chung thân, nhưng phải định lượng được mức độ như thế nào gọi là khắc phục được cơ bản, nếu không sẽ tùy tiện, khó vận dụng”, ĐB Lê Minh Thông nói. Đồng thời, ĐB này cũng cho rằng, qui định khi thoát án tử hình xuống chung thân lại không được giảm án thì sẽ làm mất động lực cải tạo, cần xem lại qui định này. “Phải tạo cơ hội, hy vọng cho người ta hoàn lương, nhưng điều kiện giảm án với những đối tượng này phải tính khác, ngặt nghèo hơn”, ĐB Thông góp ý.

Liên quan đến qui định mới trong Dự thảo là việc người phạm tội nếu chây ỳ chấp hành hình phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ sẽ bị chuyển sang hình phạt tù, khá nhiều ĐB không đồng tình. ĐB Phạm Hồng Giang (Hậu Giang) cho rằng, cách chuyển đổi này là chuyển hình phạt theo hướng nặng hơn và “dẫn tới sự phân biệt tầng lớp người giàu có với người nghèo vì trong trường hợp những người nghèo do không có tiền thì bị đi tù còn giàu thì không”.

    Phương Thảo

Theo http://phapluatxahoi.vn/