Những vụ án nổi tiếng

Vụ quán Cây Dừa và số phận người đàn bà kỳ lạ

16 năm trước, vụ giải toả quán Cây Dừa ở số 54 Lê Lai, Q.1, TPHCM trở thành một sự kiện gây chấn động dư luận. 16 năm sau, bà Tư Hương chủ quán đã bước qua tuổi 80, từ chối tất cả lời mời sang Mỹ định cư, để chỉ sống ở Việt Nam với một tâm nguyện: Làm việc thiện.


Đêm tháng 12/1990 kinh hoàng Nếu nói về một vụ giải toả gây chấn động nhất hồi ấy ở TPHCM thì có lẽ chính là vụ giải toả quán Cây Dừa. Riêng công an quận 1 đã huy động nhiều cảnh sát, với đầy đủ các phương tiện giải toả, quây kín cả đoạn đường Lê Lai, suốt một buổi sáng không cho ai qua lại để thực hiện vụ giải toả. Lúc đó không ít nhà báo có bài viết ủng hộ việc giữ lại quán Cây Dừa đã được công an “mời” vào trụ sở. Bà Trần Thị Hương, chủ quán Cây Dừa, bị đưa về số 154 Lê Lai là kho chứa đồ trước đây của nhà bà. Hàng chục người đến với xe ủi, búa tạ cùng lúc đập phá. Chỉ vài ngày sau, quán Cây Dừa đã trở thành một bãi đất hoang tàn. Điều kỳ lạ là bà Hương bị bệnh tim khá nặng. Rất nhiều người lo cho bà không thể chịu đựng được trước cơn “sốc” này. Vậy mà vào lúc cam go nhất, bỗng nhiên bà lại tỉnh táo, khoẻ mạnh, bệnh tim như biến mất. Tại nhà hàng lúc đó còn hàng chục đứa trẻ mồ côi, bất hạnh đang được bà Hương cưu mang, nuôi nấng cũng bị buộc phải rời khỏi nhà hàng để đi chỗ khác. Với bà Trần Thị Hương và những người khác sống ở đây thì đêm 17/12/1990 đó thật kinh hoàng. Ngôi nhà đã bao năm qua là nơi tá túc, nuôi nấng hàng trăm đứa trẻ bất hạnh, một nhà hàng nổi tiếng không những ở Sài Gòn mà còn ở cả nước ngoài bởi các món ăn truyền thống Việt Nam. Mỗi ngày tại nhà hàng có hàng trăm khách hàng trong và ngoài nước đến ăn. Toàn bộ tiền lời thu được, bà Hương đều dành để cưu mang những đứa trẻ bất hạnh, giúp đỡ những người gặp các hoàn cảnh khó khăn. Khi có quyết định giải toả quán Cây Dừa (54, Lê Lai) để xây khách sạn New World, một trong những khách sạn tiêu chuẩn 5 sao do vốn đầu tư của một tập đoàn của Mỹ (liên doanh với Công ty Du lịch Sài Gòn), bà Hương vô cùng lo lắng. Bà sẵn sàng hiến ngôi nhà và mảnh đất này vào mục đích xã hội từ thiện, nhưng xây khách sạn thì bà không muốn. Vào thời điểm trước và sau khi nhà hàng Cây Dừa bị giải toả đã có hàng chục bài báo, phóng sự truyền hình, truyền thanh viết về nhà hàng Cây Dừa với mong muốn giữ lại quán Cây Dừa như một biểu tượng của truyền thống làm việc thiện của người Việt Nam. Cũng thêm lý do nữa là quán Cây Dừa nằm trên một rẻo đất hình mũi tầu, rất khó cho việc quy hoạch khách sạn. Thực ra nếu những người có trách nhiệm lúc đó thấu hiểu được điều này thì quán Cây Dừa sẽ vẫn còn đến bây giờ, vẫn trở thành điểm nhấn đẹp của thành phố trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá ẩm thực Việt Nam và truyền thống lá lành đùm lá rách. Những uẩn khúc trong việc giải toả, đầu tư xây dựng khách sạn New World sau 16 năm đã gần như trôi dần vào dĩ vãng, tại đây đã mọc lên sừng sững một khách sạn hiện đại, nhưng nỗi đau quán Cây Dừa thì vẫn còn đó. Và thời gian trôi đi... Hồi đó có khá nhiều nhà báo dũng cảm đứng lên bảo vệ quán Cây Dừa. Trong đó có tôi, lúc đó làm ở báo Đại đoàn kết. Thời gian trôi qua, phóng viên các báo người còn người mất. Ông Dương Văn Đầy, Giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn, người cương quyết lấy bằng được đất của quán Cây Dừa để liên doanh bị đột tử năm 1996. Ông Trương Quốc Gia - Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân TPHCM, người có trách nhiệm thúc đẩy việc giải toả quán Cây Dừa cũng qua đời vào năm 1992. Lúc quán Cây Dừa bị đập, bỗng nhiên hàng dừa trước quán rũ hết xuống và ít lâu sau thì chết khô. Bà trồng mấy cây dừa con ở chỗ mới, nay đã lên xanh tốt. Khách sạn New World sau khi xây dựng xong, kinh doanh gặp nhiều khó khăn và cuối cùng phải thay đổi nhà đầu tư khác. Khi quán Cây Dừa bị đập, lúc đó tôi cũng đứng ở đó và chứng kiến thấy nhiều người đứng ở đây và khóc. Họ là những người đã được bà Tư Hương cưu mang, nghe tin quán bị đập đến để chia sẻ nỗi bất hạnh với bà. Không biết nay số phận họ ra sao rồi. Số phận người đàn bà kỳ lạ Tôi ngồi bên bà Tư Hương, người đàn bà mà suốt đời chỉ nghĩ đến làm việc thiện và nhìn khuôn mặt phúc hậu của bà. Bà trầm ngâm nhớ lại: “Mới đấy mà đã 16 năm rồi. Lúc đó tôi mới chỉ sáu mấy tuổi, tóc còn đen, nay tóc đã bạc trắng hết rồi”. Gần như hơn nửa cuộc đời của bà đều gắn với những số phận bất hạnh. Khi bà lập Nhà tình thương quán Cây Dừa, đã có hàng trăm đứa trẻ bất hạnh, mồ côi, lang thang cơ nhỡ được cưu mang, chăm sóc. Nhiều người trong đó giờ đã là bác sĩ, kĩ sư, nhiều người ra nước ngoài học tập, rất thành đạt, hiện đang đầu tư về cho đất nước. Còn bà Tư Hương, bao năm tháng sống xa 2 cô con gái với đàn cháu (cả 2 cô đều định cư ở Mỹ) nhưng bà vẫn cương quyết chỉ sống và chết ở Việt Nam. Ngay cả như bây giờ ở tuổi 82, khi đã yếu hơn trước nhiều bà vẫn luôn đau đáu đến việc xây dựng một ngôi Làng tình thương, nơi đó con người sống với nhau thật nghĩa tình, yêu thương, chăm sóc đùm bọc lẫn nhau. Hiện nay, dù gia cảnh không còn gì nhiều nhưng mỗi tháng bà vẫn âm thầm chắt chiu dùng số tiền các con gửi về để tiếp tục cưu mang những số phận bất hạnh. Sáng ngày 27/5 vừa qua, tôi trở lại thăm quán Cây Dừa sau khá nhiều năm không gặp lại. Tôi nhờ người lái xe ôm đưa chầm chậm qua nơi mũi tầu của Khách sạn New World, nơi trước đây là quán Cây Dừa. Người lái xe ôm thấy tôi chụp ảnh liền hỏi: “Sao anh lại chụp chỗ này mà không chụp cả cái khách sạn?”. Tôi kể vì trước đây tôi cũng có duyên nợ với quán Cây Dừa, ông chợt nhìn tôi với ánh mắt rất khác rồi nói: “Bà Tư Hương phải không. Tôi cũng mang ơn bà ấy đấy”. Và anh dứt khoát không lấy tiền công chở tôi đi. Tôi hiểu, đập một ngôi nhà, giải toả một cái quán chẳng có gì khó cả. Cái khó hơn lại là ở lòng người. Bà Hương chẳng hận ai cả, điều bà đau đáu lại chính ở chỗ, nếu người ta chỉ lao vào xây thật nhiều khách sạn, thật nhiều cao ốc... mà quên đi việc xây dựng tình yêu thương trong mỗi con người thì cuối cùng mọi thứ cũng đều trở nên vô nghĩa. Ở tuổi 82, bà vẫn đang làm một việc mà tôi không hiểu có vô vọng hay không. Lúc chia tay tôi, bà tiễn ra tận ngoài đường, cầm tay tôi lắc lắc và hẹn một ngày nào tôi trở lại Sài Gòn. Lúc đông nhất bên bà có cả trăm con người bất hạnh, nhưng giờ đây chỉ còn vài ba người. Vậy mà bà vẫn sống, vẫn tin (dù niềm tin đó quá đỗi mong manh) rằng đến một lúc nào đó chính quyền hiểu ra và đền bù cho bà. Con người bà thật kỳ lạ. Minh Quang Nguồn: http://dantri.com.vn/phong-suky-su/vu-quan-cay-dua-va-so-phan-nguoi-dan-ba-ky-la-121796.htm