Luật sư cười

Hội thẩm nhân dân: Đôi lúc cũng hết đỡ!

TTC - Để đảm bảo dân chủ trong xét xử, ngoài thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa thì luật quy định thành phần Hội đồng xét xử phải có thêm những vị Hội thẩm nhân dân.


Nếu hội đồng xét xử gồm 3 người thì có tới 2 hội thẩm, còn Hội đồng xét xử 5 người (xử những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, khung hình phạt cao nhất có thể lên tới mức tử hình) thì hội thẩm có tới 3 vị. Vai trò của các vị hội thẩm nhân dân phải nói là rất “nặng ký” bởi nguyên tắc biểu quyết theo đa số. Một thẩm phán kể rằng có vụ ông chỉ muốn xử án treo vì bị cáo là học sinh (chỉ vì máu “anh hùng rơm” mà hùa vào với đám học trò khác dùng hung khí đánh bạn gây thương tích) nên ông muốn tạo điều kiện cho bị cáo đi học lại. Thế nhưng, hai vị nữ hội thẩm ngồi kế bên lại muốn xử bị cáo phải ở tù... cho chừa thói bắt nạt bạn bè. Vị hội thẩm kể chính con bà đã từng bị trầm cảm, không dám đi học chỉ vì bị mấy đứa bạn “ôn dịch” bắt nạt hàng ngày, thế nên bà bảo mấy đứa học trò kiểu này nên đưa đi học tập cải tạo thì tốt hơn. Dù đã giải thích hết lời về các điều kiện được hưởng án treo nhưng các vị hội thẩm vẫn bảo lưu quan điểm nên thẩm phán đành ngậm ngùi ghi ý kiến của mình vào biên bản nghị án, bởi nguyên tắc biểu quyết là đa số thắng thiểu số! Tại phiên tòa xét xử một bị cáo phạm tội lừa đảo mới đây tại TAND TP.HCM, hội đồng có 3 vị nhưng tuyệt đối chỉ có mình chủ tọa “tung hoành”, hết gọi bị cáo, nhân chứng, bị hại... thẩm vấn lại điều khiển cuộc tranh luận tóe lửa giữa viện kiểm sát và luật sư. Còn hai hội thẩm chỉ ngồi im lặng. Kết thúc phần thủ tục, chủ tọa quay sang hỏi: “Các vị trong hội đồng xét xử có ý kiến gì không?” Hai vị đồng loạt lắc đầu. Kết thúc xét hỏi, chủ tọa lại hỏi: “Có vị nào muốn hỏi thêm không?” Hai vị hội thẩm lại lắc đầu! Nhiều người dự phiên tòa thắc mắc hổng biết lúc nghị án các vị này sẽ có ý kiến như thế nào khi suốt phiên tòa chỉ ngồi im lặng, ánh mắt nhìn xa xăm. Ngồi im vậy tuy không hay nhưng cũng không đến nỗi gây khổ cho Tòa. Trong phiên tòa xét xử vụ cố ý gây thương tích tại một quận cách đây không lâu, khi bị cáo lí nhí khai rằng lúc đó vì nhậu say nên mới không kìm chế được mình mà đập vào đầu người bạn cùng bàn nhậu bởi anh này cứ nói nhiều, khiêu khích bị cáo. Có vẻ tức khí vì lời đổ lỗi cho rượu của bị cáo, vị hội thẩm hỏi: - Lúc đánh nhau bị cáo đã uống mấy ly rượu? - Dạ, khoảng chừng 2-3 ly gì đó. - Bị cáo mới uống có 3 ly thì say gì mà say? Bị cáo khai thỉnh thoảng vẫn thường lai rai với bạn bè nên bị cáo không phải là không biết uống rượu đúng không? Vậy mà mới 2-3 ly nhỏ xíu mà bảo đã say là say kiểu gì? Tui uống cả nửa lít chưa say, người nhậu thường xuyên như bị cáo uống có 2-3 ly mà say cái gì. Bị cáo đánh người vì côn đồ thì có! Thấy hội thẩm “khoe” tửu lượng với bị cáo, vị chủ tọa ngồi bên chỉ biết tròn mắt! Thôi thì, nếu không muốn hỏi thì thôi, ngồi cho đủ tụ cũng được, chứ hội đồng xét xử thẩm vấn kiểu này thì thật... hết đỡ! C.M. Nguồn:http://chuyentrang.tuoitre.vn/TTC/Index.aspx?ArticleID=465444&ChannelID=372