Dân sự

Điều kiện giành quyền nuôi con sau khi ly hôn



Câu hỏi:

Em có 1 cô bạn thân. Cô ấy đã lập gia đình và có 2 đứa con, một bé 6 tuổi và một bé 3 tuổi. Khi sinh đứa bé thứ 2, chồng cô ấy ngoại tình. Vì thương con nên cô ấy không ly dị. Dù gia đình khuyên bảo nhưng anh ta vẫn qua lại với cô gái đó và ngoại tình công khai. Về phía cô nhân tình thì có thái độ như là cô vợ cướp anh ta, không cho cô ta có điều kiện bên anh ta. Bạn em đã có lúc bị stress và dẫn đến uống thuốc ngủ, nhưng được cấp cứu kịp thời. Gia đình nhà chồng rất thương cô ấy. Trong thời gian này, anh ta còn đánh vợ, dọa giết cô ấy. Bây giờ cô ấy muốn ly hôn nhưng sợ không được quyền nuôi 2 bé vì thu nhập của cô không ổn định.
Xin hỏi, có cách nào cô ấy được quyền nuôi 2 bé sau khi ly hôn không?

                                                                                                                                                                                         Gửi bởi: Trần Thêu

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Về việc ly hôn
Theo như các thông tin mà bạn cung cấp thì người chồng đã có hành vi bạo lực với bạn của bạn, đồng thời vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ vợ chồng (đặc biệt là nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình theo quy định tại Điều 19 của Luật hôn nhân và gia đình), làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Do vậy, bạn của bạn có thể nộp đơn để yêu cầu ly hôn.
Ngoài ra, các bạn cũng lưu ý, đối với hành vi ngoại tình, bạo lực của chồng cô ấy, tùy theo tính chất mức độ, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính.
2. Về quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 81 của Luật hôn nhân và gia đình.
Theo đó, vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Đối với trường hợp của bạn của bạn, do hai đứa con đều đã trên 36 tháng tuổi và chưa đủ 7 tuổi nên Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để quyết định người trực tiếp nuôi con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần.
Do vậy, để giành được quyền nuôi con, bạn của bạn phải chứng minh được một số vấn đề sau đây:
- Thứ nhất, cô ấy có đầy đủ các điều kiện về vật chất ăn ở, sinh hoạt, điều kiện học tập… các yếu tố này sẽ được xét trên điều kiện về chỗ ở, tài sản, thu nhập của cha mẹ. Như vậy, cô ấy phải chứng minh được bạn có điều kiện về tài chính hơn so với chồng bạn, và mức thu nhập, nơi cư trú của cô ấy phải đủ để đảm bảo điều kiện về nuôi dưỡng và học tập, vui chơi cho cả hai bé.
- Thứ hai, căn cứ vào các điều kiện tinh thần bao gồm: thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi, giải trí, nhân cách đạo đức của cha mẹ. Trong trường hợp của bạn:
+ Cô ấy phải chứng minh được bạn có đủ thời gian để chăm sóc, dạy dỗ, tạo điều kiện cho cả hai bé vui chơi, giải trí.
+ Cô ấy phải chứng minh được từ trước tới giờ cô ấy là người luôn quan tâm, yêu thương hai bé.
+ Cô ấy cũng cần chứng minh cô ấy là người có đầy đủ đạo đức để nuôi dạy con. Cô ấy có thể đưa ra các bằng chứng chứng minh về tư cách đạo đức của chồng cô ấy như hành vi ngoại tình, hành vi dùng bạo lực với cô ấy... để Tòa có thể xem xét.
                                                                                                                                                            

 Dựa trên những nội dung bạn cung cấp, chúng tôi chỉ có thể cung cấp và trao đổi tới bạn những nội dung nêu trên theo quy định của pháp luật hiện hành. Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu còn thắc mắc và cần giúp đỡ vui lòng liên hệ trực tiếp qua sđt phía Văn phòng để được trao đổi cụ thể hơn. Cảm ơn bạn đã quan tâm.


Thân ái!